LỚP 6/7 TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG

CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG LỚP 6/7

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

BÀI THUYẾT TRÌNH VỀ QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA HỌC SINH LỚP 6/7

Thưa quý thầy cô và các bạn. Tục ngữ tự ngàn xưa đã nói “Tiên học lễ, hậu học văn”.  “Lễ” là cách ứng xử, giao tiếp có văn hóa giữa người với người theo chuẩn mực đạo đức được xã hội quy định. Theo đó, trong giao tiếp, ứng xử, trong giải quyết các mối quan hệ phải biết kính trên nhường dưới, biết đặt lợi ích riêng sau lợi ích chung. “Văn” là chữ, là kiến thức của loài người được tích lũy qua nhiều thế hệ. “Tiên học lễ, hậu học văn” nghĩa là trước khi học kiến thức thì phải có nền tảng đạo đức.
Vâng! Câu nói đó đã khẳng định vai trò, sức mạnh của giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người đặc biệt là thế hệ trẻ chúng em. Không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, trường học là môi trường đặc biệt mà ở đó học sinh được rèn luyện và hình thành nhân cách. Ngoài gia đình và xã hội thì trường học đóng vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện mỗi học sinh. Môi trường giáo dục tốt sẽ tạo nên một thế hệ trẻ có nhân phẩm, đạo đức tốt.
Để làm được điều đó, trường học nói chung và trường THCS Lý Tự Trọng chúng ta nói riêng đã xây dựng hệ thống những Quy tắc ứng xử của học sinh để trên cơ sở đó những học sinh như chúng em có được thước đo chính xác để rèn luyện, chỉnh đốn bản thân.
        Quy tắc ứng xử của trường ta gồm 2 điều:
Điều 1: Học sinh khi giao tiếp với thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường hoặc người lớn tuổi phải:
+ Nói năng lễ độ, xưng hô đúng mực
+ Thể hiện sự kính trọng, lễ phép
Nhà trường đưa điều này vào quy định nhằm nhắc nhở mỗi học sinh phải biết kính trọng người lớn tuổi, thầy cô giáo. Để thực hiện được điều này các bạn cần phải làm như sau: Khi nói chuyện với thầy cô giáo phải dạ, thưa trước mỗi câu nói, dùng câu từ, lời lẽ tế nhị, lễ phép để hỏi đáp với thầy, cô giáo.  Ngoài lời nói, thì hành động chào thưa thầy cô, người lớn tuổi phải được đảm bảo. Khi gặp thầy cô, người lớn các bạn phải đứng thẳng người, khoanh tay cúi đầu chào thật lịch sự. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, nên chúng ta phải chào hỏi với sự tôn trọng, lễ độ chứ không phải chào theo kiểu qua loa lấy lệ.
Các bạn đừng nghĩ rằng chỉ chào thầy cô hiện đang dạy mình thôi. Đó là suy nghĩ sai đấy, đối với tất cả các thầy cô có giảng dạy các bạn hay không thì đấy cũng là những nhà giáo, những người làm công việc trông người, nên học sinh như chúng mình cần tôn trọng bằng việc chào hỏi.
Bạn cũng đừng nghĩ chỉ chào thầy cô chứ không cần chào hỏi cán bộ nhân viên và người lớn tuổi. Đó là việc làm không đúng đâu. Gặp người lớn thì chúng ta phải chào hỏi mới là con ngoan trò giỏi đấy các bạn.
Việc làm này sẽ hình thành nhân cách, đạo đức tốt đẹp cho cá nhân mỗi học sinh mình đấy. Và không chỉ ứng dụng trong khuôn viên nhà trường mà ở gia đình, hay ngoài xã hội các bạn cũng nên thể hiện mình là người có văn hóa ứng xử qua việc chào hỏi thầy cô, người lớn mỗi khi gặp gỡ nhé.
Điều 2: Học sinh khi giao tiếp với bạn phải:
+ Lời lẽ hòa nhã, trong sáng, tuyệt đối không nói tục, chửi thề.
+ Biết nói lời xin lỗi, cảm ơn đúng lúc.
+ Thái độ lịch sự, đoàn kết, tôn trọng nhau.
+ Trong sinh hoạt cần: vui vẻ, hòa đồng, trung thực, khiêm tốn, vi tha; tuyện đối không gây gổ, xúc phạm bạn hoặc đánh nhau.
Khi giao tiếp với bạn bè, lời lẽ cần phải hòa nhã, trong sáng. Lời lẽ trong sáng nghĩa là xưng hô bạn – tôi hoặc xưng tên. Còn thế nào là hòa nhã? Khi bạn mất bình tĩnh, bạn không nên hét lên hay nói gay gắt. Hãy bình tĩnh, nói năng nhỏ nhẹ, sử dụng được lời nói ôn hòa, dễ nghe. Phải nói năng lễ độ, hoà nhã để tạo ra sự đoàn kết, thông cảm giữa những người giao tiếp . Chính vì thế, dân gian ta có câu: “Lời nói gói vàng” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời hay, ý đẹp sẽ tạo nên sự tin cậy, tạo nên mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Lời nói tuy “không mất tiền mua”, nhưng lựa được lời hay, ý tốt để giao tiếp không phải là dễ mà phải học tập, rèn luyện kiến thức, ngôn ngữ và ý thức mới có được. Hiểu được giá trị của lời nói và biết cách sử dụng nó chính là bí quyết thành công trong cuộc đời.
Khi được sự giúp đỡ của bạn bè, anh chị, em trong trường bạn phải biết cảm ơn, việc cảm ơn người giúp đỡ mình là việc làm thể hiện sự trân trọng đối với người đã dìu dắt, giúp đỡ ta và bản thân người biết nói lời cảm ơn cũng thể hiện mình có văn hóa ứng xử. Thói quen nói lời cảm ơn xin lỗi là thói quen tốt giúp ta cảm thấy cuộc sống có thật nhiều niềm vui và còn giúp ta thành công trong cuộc đời. Lời cảm ơn và xin lỗi mang một giá trị rất lớn, biết cảm ơn và xin lỗi kịp thời không chỉ giúp bản thân ta thanh thản và nhẹ nhõm mà còn mang lại cho người nghe một thông điệp đầy ý nghĩa.
Trong môi trường học đường, mọi học sinh chúng ta phải có thái độ lịch sự, đoàn kết, tôn trọng nhau. Tục ngữ có câu :” Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.  Chính vì thế,  đã là bạn bè trong trường lớp chúng ta cần nâng đỡ, dìu dắt nhau mới là bạn tốt. Chính sự đoàn kết, tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ trong những lúc khó khăn đã tạo nên mối quan hệ tốt đẹp, là chất keo gắn kết tình bạn.
Trong sinh hoạt chúng ta cần: vui vẻ, hòa đồng, trung thực, khiêm tốn, vị tha, tuyệt đối không gây gổ, xúc phạm bạn hoặc đánh nhau. Bạn có khuyết điểm hoặc có tính xấu không nên chê cười, xa lánh mà phải gần gũi, để giúp đỡ bạn sửa chữa. nếu không thể nói trực tiếp thì hãy viết thư cho bạn, nhẹ nhàng phân tích lỗi lầm của bạn cho bạn hiểu, giúp bạn nhận thấy khuyết điểm của mình.

Tóm lại kĩ năng trong giao tiếp thể hiện cụ thể qua những lời nói, hành động rất nhỏ nhưng nếu thực hiện tốt bạn sẽ trở thành người có văn hóa. Hãy thể hiện điều đó ngay bây giờ “Đừng đợi người khác khám phám bạn, hãy chỉ cho người ta thấy giá trị của con người bạn”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét