LỚP 6/7 TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG

CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG LỚP 6/7

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

TỔ NGỮ VĂN TỔ CHỨC NGOẠI KHÓA 20-10

Sáng nay, ngày 16/10/2017, Tổ ngữ văn - Thư viện Trường THCS Lý Tự Trọng tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khoá chào mừng 87 năm ngày TL Hội liên hiệp PN Việt Nam 20.10 (20.10.1930-20.10.2017).


Hình ảnh ngoại khoá SH 20/10 của tổ Ngữ văn

Tổ chức ngoại khoá 20/10 là hoạt động thường xuyên và có ý nghĩa lớn do tổ Ngữ Văn- Thư viện đảm nhận. Năm học 2017- 2018 này cũng vậy, tổ tiếp tục duy trì và phát triển việc làm ý nghĩa này với chủ đề "Hình ảnh người phụ nữ trong văn chương". Bên cạnh những tiết mục văn nghệ hay, hấp dẫn, phần báo các ý nghĩa ngày 20/10 và phần thì của các bạn học sinh đã mang lại sự hứng thú, vui tươi cho học sinh trong nhà trường.  Buổi sinh hoạt nhằm ôn lại truyền thống PNVN 20.10,  khắc sâu cho hs hình tượng người PN Việt Nam qua các tác phẩm văn học. Đồng thời buổi ngoại khoá đã mang lại cho các em học sinh, những người tham dự một không khí vui tươi, hấp dẫn qua các tiết mục văn nghệ, các tiết mục thể hiện năng khiếu của học sinh,..đã góp phần đem lại buổi ngoại khoá đầy ý nghĩa.

BÀI THUYẾT TRÌNH VỀ QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA HỌC SINH LỚP 6/7

Thưa quý thầy cô và các bạn. Tục ngữ tự ngàn xưa đã nói “Tiên học lễ, hậu học văn”.  “Lễ” là cách ứng xử, giao tiếp có văn hóa giữa người với người theo chuẩn mực đạo đức được xã hội quy định. Theo đó, trong giao tiếp, ứng xử, trong giải quyết các mối quan hệ phải biết kính trên nhường dưới, biết đặt lợi ích riêng sau lợi ích chung. “Văn” là chữ, là kiến thức của loài người được tích lũy qua nhiều thế hệ. “Tiên học lễ, hậu học văn” nghĩa là trước khi học kiến thức thì phải có nền tảng đạo đức.
Vâng! Câu nói đó đã khẳng định vai trò, sức mạnh của giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người đặc biệt là thế hệ trẻ chúng em. Không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, trường học là môi trường đặc biệt mà ở đó học sinh được rèn luyện và hình thành nhân cách. Ngoài gia đình và xã hội thì trường học đóng vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện mỗi học sinh. Môi trường giáo dục tốt sẽ tạo nên một thế hệ trẻ có nhân phẩm, đạo đức tốt.
Để làm được điều đó, trường học nói chung và trường THCS Lý Tự Trọng chúng ta nói riêng đã xây dựng hệ thống những Quy tắc ứng xử của học sinh để trên cơ sở đó những học sinh như chúng em có được thước đo chính xác để rèn luyện, chỉnh đốn bản thân.
        Quy tắc ứng xử của trường ta gồm 2 điều:
Điều 1: Học sinh khi giao tiếp với thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường hoặc người lớn tuổi phải:
+ Nói năng lễ độ, xưng hô đúng mực
+ Thể hiện sự kính trọng, lễ phép
Nhà trường đưa điều này vào quy định nhằm nhắc nhở mỗi học sinh phải biết kính trọng người lớn tuổi, thầy cô giáo. Để thực hiện được điều này các bạn cần phải làm như sau: Khi nói chuyện với thầy cô giáo phải dạ, thưa trước mỗi câu nói, dùng câu từ, lời lẽ tế nhị, lễ phép để hỏi đáp với thầy, cô giáo.  Ngoài lời nói, thì hành động chào thưa thầy cô, người lớn tuổi phải được đảm bảo. Khi gặp thầy cô, người lớn các bạn phải đứng thẳng người, khoanh tay cúi đầu chào thật lịch sự. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, nên chúng ta phải chào hỏi với sự tôn trọng, lễ độ chứ không phải chào theo kiểu qua loa lấy lệ.
Các bạn đừng nghĩ rằng chỉ chào thầy cô hiện đang dạy mình thôi. Đó là suy nghĩ sai đấy, đối với tất cả các thầy cô có giảng dạy các bạn hay không thì đấy cũng là những nhà giáo, những người làm công việc trông người, nên học sinh như chúng mình cần tôn trọng bằng việc chào hỏi.
Bạn cũng đừng nghĩ chỉ chào thầy cô chứ không cần chào hỏi cán bộ nhân viên và người lớn tuổi. Đó là việc làm không đúng đâu. Gặp người lớn thì chúng ta phải chào hỏi mới là con ngoan trò giỏi đấy các bạn.
Việc làm này sẽ hình thành nhân cách, đạo đức tốt đẹp cho cá nhân mỗi học sinh mình đấy. Và không chỉ ứng dụng trong khuôn viên nhà trường mà ở gia đình, hay ngoài xã hội các bạn cũng nên thể hiện mình là người có văn hóa ứng xử qua việc chào hỏi thầy cô, người lớn mỗi khi gặp gỡ nhé.
Điều 2: Học sinh khi giao tiếp với bạn phải:
+ Lời lẽ hòa nhã, trong sáng, tuyệt đối không nói tục, chửi thề.
+ Biết nói lời xin lỗi, cảm ơn đúng lúc.
+ Thái độ lịch sự, đoàn kết, tôn trọng nhau.
+ Trong sinh hoạt cần: vui vẻ, hòa đồng, trung thực, khiêm tốn, vi tha; tuyện đối không gây gổ, xúc phạm bạn hoặc đánh nhau.
Khi giao tiếp với bạn bè, lời lẽ cần phải hòa nhã, trong sáng. Lời lẽ trong sáng nghĩa là xưng hô bạn – tôi hoặc xưng tên. Còn thế nào là hòa nhã? Khi bạn mất bình tĩnh, bạn không nên hét lên hay nói gay gắt. Hãy bình tĩnh, nói năng nhỏ nhẹ, sử dụng được lời nói ôn hòa, dễ nghe. Phải nói năng lễ độ, hoà nhã để tạo ra sự đoàn kết, thông cảm giữa những người giao tiếp . Chính vì thế, dân gian ta có câu: “Lời nói gói vàng” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời hay, ý đẹp sẽ tạo nên sự tin cậy, tạo nên mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Lời nói tuy “không mất tiền mua”, nhưng lựa được lời hay, ý tốt để giao tiếp không phải là dễ mà phải học tập, rèn luyện kiến thức, ngôn ngữ và ý thức mới có được. Hiểu được giá trị của lời nói và biết cách sử dụng nó chính là bí quyết thành công trong cuộc đời.
Khi được sự giúp đỡ của bạn bè, anh chị, em trong trường bạn phải biết cảm ơn, việc cảm ơn người giúp đỡ mình là việc làm thể hiện sự trân trọng đối với người đã dìu dắt, giúp đỡ ta và bản thân người biết nói lời cảm ơn cũng thể hiện mình có văn hóa ứng xử. Thói quen nói lời cảm ơn xin lỗi là thói quen tốt giúp ta cảm thấy cuộc sống có thật nhiều niềm vui và còn giúp ta thành công trong cuộc đời. Lời cảm ơn và xin lỗi mang một giá trị rất lớn, biết cảm ơn và xin lỗi kịp thời không chỉ giúp bản thân ta thanh thản và nhẹ nhõm mà còn mang lại cho người nghe một thông điệp đầy ý nghĩa.
Trong môi trường học đường, mọi học sinh chúng ta phải có thái độ lịch sự, đoàn kết, tôn trọng nhau. Tục ngữ có câu :” Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.  Chính vì thế,  đã là bạn bè trong trường lớp chúng ta cần nâng đỡ, dìu dắt nhau mới là bạn tốt. Chính sự đoàn kết, tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ trong những lúc khó khăn đã tạo nên mối quan hệ tốt đẹp, là chất keo gắn kết tình bạn.
Trong sinh hoạt chúng ta cần: vui vẻ, hòa đồng, trung thực, khiêm tốn, vị tha, tuyệt đối không gây gổ, xúc phạm bạn hoặc đánh nhau. Bạn có khuyết điểm hoặc có tính xấu không nên chê cười, xa lánh mà phải gần gũi, để giúp đỡ bạn sửa chữa. nếu không thể nói trực tiếp thì hãy viết thư cho bạn, nhẹ nhàng phân tích lỗi lầm của bạn cho bạn hiểu, giúp bạn nhận thấy khuyết điểm của mình.

Tóm lại kĩ năng trong giao tiếp thể hiện cụ thể qua những lời nói, hành động rất nhỏ nhưng nếu thực hiện tốt bạn sẽ trở thành người có văn hóa. Hãy thể hiện điều đó ngay bây giờ “Đừng đợi người khác khám phám bạn, hãy chỉ cho người ta thấy giá trị của con người bạn”.

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Khai giảng năm học 2017-2018


                                                                 Khai giảng năm học 2017-2018


Hình ảnh ngày tựu trường





Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Tiểu Sử Anh Hùng Lý Tự Trọng




1) Tiểu sử
Lý Tự Trọng quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm, đều là những Việt kiều yêu nước sống ở Nakhon; họ gốc của ông vốn là Lê Hữu song đến đời ông thì được đặt thành Lê Văn. Ông có đông anh chị em gồm : Lê Văn Đại, Lê Văn Tăng, Lê Văn Năng, Lê Thị Sáu, Lê Thị Bảy.....
Năm 1923, chỉ mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập, học giỏi, nói thạo tiếng Thái Lan,tiếng Hán và tiếng Anh. Ông hoạt động trong Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí. Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam Kì với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 9 tháng 2 năm 1931, trong buổi mít tinh kỉ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, khi mật thám đến đàn áp, Lý Tự Trọng đã bắn chết thanh tra mật thám Legrant, ông bị bắt và kết án tử hình vào ngày 20 tháng 11 năm 1931 khi ông mới 17 tuổi.
Trong thời gian chiến tranh, các em ông gồm có Lê Văn Đại, Lê Văn Năng, Lê Văn Tăng đều đã trở về Việt Nam để tiếp bước chân ông hoạt động Cách Mạng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng của nước nhà, những người em còn lại của ông hiện vẫn sống tại tỉnh Nakhon của Thái Lan.Cụ Năng và cụ Tăng hiện đã mất, chỉ còn cụ Lê Văn Đại hiện vẫn sống khỏe mạnh cùng các con cháu tại Hà Nội. Hiện nay cụ đã được 94 tuổi và là một trong số ít những Đảng viên có trên 70 năm tuổi Đảng.
Nhà thờ Lý Tự Trọng được xây trên nền nhà tổ tiên của dòng họ Lê tại xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng là ngôi nhà của cụ Lê Văn Tăng.
Tên của anh đã được đặt cho tên của một giải thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cho thanh niên. 
Ngoài ra, tên của anh cũng được đặt cho nhiều trường học và con đường ở Việt Nam.
2) Câu nói nổi tiếng
  • "Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng, con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác."

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

10 nhóm kỹ năng sống cần thiết cho khối học sinh THCS


Trẻ em ngày nay được ví von như gà công nghiệp vì thiếu những kỹ năng sống cần thiết như cách giao tiếp ứng xử, hợp tác và chia sẻ, tự tin trước đám đông,... Vậy làm thế nào để giúp con rèn luyện những kỹ năng ấy? 

Mời các bạn tham khảo bài viết sau:

http://kenhtuyensinh.vn/10-nhom-ky-nang-song-can-thiet-cho-khoi-hoc-sinh-thcs